“Không ai là không có khả năng và mỗi người mang một góc cạnh khác nhau. Chúng ta ai cũng có tài nhưng chúng ta cần nhận ra cái tài của mình nằm ở đâu để phát triển lên” – Lương Mạnh Hải, Tăng Thanh Hà gửi đi thông điệp từ những bộ phim mình đóng.
Từ 100 độ đến… “0 độ”
- Bằng tầm giờ Tết năm sau, nếu gặp Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải người ta nói, cặp đó nguội rồi, nhạt rồi thì hai bạn ứng xử thế nào?
- Hải: Thì đâu có sao. Đấy là việc rất bình thường trong cuộc sống. Giờ tại sao mọi người nói Hà và Hải hot? Bởi vì báo chí rải thảm hình ảnh của Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải. Còn nếu khi không có sự rải thảm trên mặt báo nữa thì lúc đó mọi người lại cho là hết “hot”.
- Hà: Khi mà “hot” quá, sôi đến 100 độ thì người ta phải tắt bếp để nó nguội và sau đó sẽ lại bật lên để đun sôi. Chứ không ai lại đi xem Hà và Hải cứ sôi 100 độ hoài, như vậy thì có gì mà xem. Đối với diễn viên thì không thể cứ đi đóng phim 365 ngày một năm được. Mình cần phải có thời gian nghỉ để thu kinh nghiệm và nuôi cảm xúc, nếu cứ đi diễn hoài như vậy thì sẽ bị chai hết cảm xúc.
Nhiều lúc cũng nên nghỉ một thời gian dài sau một vai diễn để xóa đi hình ảnh và cảm xúc của nhân vật trước đây để bắt đầu một cảm xúc mới cho một vai diễn mới.
- Sự “nguội” dần hoặc “nhạt” đi ở đây là do các bạn tự chủ động hay do những yếu tố khách quan bắt buộc phải vậy?
- Hà: Hà có một kinh nghiệm là: Khi đóng xong phim “Hương phù sa”, Hà đi học 2 năm nhưng sau khi gặp lại khán giả vẫn dành cho mình những tình cảm như trước dù phim đã chiếu xong lâu rồi. Từ đó Hà thấy nếu vai diễn của mình thực sự ấn tượng thì khán giả sẽ nhớ mình rất lâu, và đủ lâu để mình có thể xây dựng một nhân vật khác.
- Hải: Cho về 0 độ là do mình tự chủ động vì khi làm việc nhiều thì mình cũng thấy chán bản thân mình, thấy mình có vẻ “nhạt” đi thì cũng cần thời gian để nghỉ ngơi. Không phải do khán giả thích tôi thì tôi đóng, không thích tôi thì tôi nghỉ, nếu mình không chủ động được thì mình sẽ bị quay cuồng theo ý khán giả muốn. Những khoảng lặng là cực kỳ cần thiết để mình nạp lại năng lượng cho những chu kỳ sáng tạo tiếp theo.
“Người trẻ thì có rất nhiều sự thay đổi…”
- Trên vai trò của một người nổi tiếng, Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải muốn đem đến cho những khán giả trẻ yêu mến mình những giá trị gì?
- Hà: Hà muốn các bạn hiểu rằng trong cuộc sống mình nên hướng suy nghĩ của mình theo hướng tích cực. Và các bạn hãy nhìn thấy cả hai mặt tích cực và tiêu cực của một con người để lấy những tích cực của người ta làm động lực cho mình tiến lên và tránh những tiêu cực của họ để mình không mắc phải. Đừng có thần tượng một người theo vẻ bề ngoài mà nên hiểu được cả cái tốt, cái xấu của họ.
- Hải: Hiện mọi người đang thần tượng vai diễn của Hải hay là đang thần tượng con người Hải? Đây là hai cái khác xa nhau. Tôi thần tượng anh A, anh B trên sân khấu vì đó là con người của anh ta trên sân khấu chứ không phải là con người thật ngoài đời của anh ta. Chúng ta cần có một sự phân định rõ ràng để khỏi rơi vào tình trạng tôi thần tượng anh A thì tôi muốn làm theo tất cả những gì anh ta làm.
- Đời sống lý tưởng với hai bạn là một đời sống như thế nào?
- Hải: Tôi nghĩ nếu mình được làm những gì mình thích đã là lý tưởng rồi. Trong cuộc sống mình không nên đặt mục tiêu cao quá vì như thế rất dễ làm cho cuộc sống của mình trở nên bi kịch. Mỗi người chỉ có một khả năng có hạn do đó mình không nên nuôi mộng quá lớn. Mình nên thỏa mãn và hạnh phúc với những gì mình làm được.
- Hà: Hạnh phúc của Hà rất đơn giản, Hà luôn muốn cuộc sống của mình được cân bằng. Một buổi sáng Hà thức dậy và nhìn vào lịch làm việc thấy ngày hôm nay mình phải làm gì, làm như thế nào. Tại sao mình còn trẻ mà mình sao thấy mình năng động quá. Sao cuộc sống của mình vui vẻ quá. Sáng thực dậy mình nấu cơm cho mình ăn, rồi đi làm, trưa đi ăn trưa và café với bạn bè, tối làm xong việc về nhà hoặc đi đâu đó. Thế là hài lòng rồi.
- Đích đến trong sự nghiệp mà hai người vươn tới là gì?
- Hà: Nhiều lắm, còn trẻ mà. Nhưng tôi nghĩ mình nên giữ cái đích đó cho riêng mình và đến khi nào đạt được thì hãy nói. Giống như ngày xưa mọi người cứ hỏi tại sao Hà lại thích làm nhà báo? Thì lúc Hà còn nhỏ thấy mọi người làm báo, chụp hình rất nhiều mà mình cũng có khả năng viết văn, do đó muốn thành nhà báo. Nhưng lớn lên một chút khi gặp nhiều người thì họ định hướng cho mình là nên làm kinh doanh vì thấy mình hợp với lĩnh vực đó. Thế nên mới thấy người trẻ thì có rất nhiều thay đổi, và sự thay đổi này là bắt buộc vì nếu người trẻ mà không thay đổi thì coi như là họ đã bị trì trệ rồi.
- Cả hai đều học một nghề, ra lại được biết đến nhiều hơn với nghề khác, vậy hai bạn tự tin nhất trong vai trò nào?
- Hà: Về chuyên môn mà Hà đang theo học thì nói tự tin hay không thì chưa nói được vì mình mới bắt đầu bước đi. Đã ở level nào đâu mà nói mình tự tin. Còn về lĩnh vực phim ảnh thì đương nhiên Hà tự tin rồi. Là vì tham gia 7 năm rồi chí ít cũng đã có kinh nghiệm. Chứ trong kinh doanh Hà mới đang ở con số 0 chứ chưa được con số 1.
- Đóng phim nhựa có là thách thức với Hà không?
- Hà: Bản thân Hà thì không thấy có sự khác nhau vì khi là diễn viên nhận bất cứ kịch bản nào thì cũng phải đầu tư nghiên cứu cho tốt để diễn được vai được giao. Không nên phân biệt phim nhựa hay phim truyền hình. Đầu tư cho phim nhựa lớn hơn thật nhưng với diễn viên thì phim nào thì cũng phải đâu tư cho vai diễn của mình như nhau.
- Còn Hải thì tự tin nhất trong vai trò nào? Làm báo hay làm diễn viên?
- Hải: Hải tự tin trong cả hai công việc trên. Vì hai công việc này không loại trừ nhau. Hải làm báo cũng làm báo gần 10 năm rồi. Nghề diễn viên là nghề cần vốn sống nên làm báo sẽ giúp cho mình rất nhiều kiến thức. Do đó ở vai trò nào mình cũng tự tin. Mình đã làm tròn vai rồi.
- Khi mình làm nhiều vai trò quá thì e rằng khó có sự chuyên nghiệp…?
- Hà: Đúng là như vậy nhưng nên nhìn theo góc nhìn tích cực của mình. Hai con đường Hà đi theo góc nhìn của Hà thì nó hỗ trợ cho nhau và giúp cho nhau đạt được hiệu quả trong công việc.
- Hải: Ngày xưa các cụ nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, “một nghề thì sống đống nghề thì chết” nhưng ngày nay thì nếu chỉ có một nghề thì có khi lại chết. Đây là sự chọn của mỗi người. Không có chuyện là mình sẽ diễn không chuyên nghiệp vì mình đi làm báo. Vì Hải đâu có vừa đóng phim vừa làm báo đâu?
Mỗi người mang một góc cạnh khác nhau
- Khi nhắc tới Hải thì người ta định danh bạn là nhà báo. Sự định danh đó cũng chứng tỏ rằng bạn làm báo là chuyên nghiệp chứ không phải làm amatơ. Vậy sự định danh như thế nói lên điều gì về sự chuyên nghiệp mà bạn đang có?
- Hà: Cho Hà được tham gia ý này. Nếu mình rẽ sang một hướng khác mà mình làm tốt thì không thể nói mình không chuyên nghiệp được. Như từ hồi sáng tới giờ Hà thấy anh Hải biết rất nhiều nhà báo thì Hà mới hỏi: Ủa, sao anh Hải quen nhiều nhà báo thế? Hà quên rằng anh Hải là nhà báo. Điều đó chứng tỏ rằng trong thời gian qua anh Hải đã làm rất tròn vai trò là một diễn viên khiến cho Hà quên đi anh Hải là nhà báo.
Còn với Hà thì Hà đến với nghề diễn viên trước khi làm người mẫu quảng cáo. Chẳng qua là hình chụp quảng cáo ra trước phim nên mọi người tưởng Hà làm người mẫu. Cho đến giờ thì Hà nhận được những lời mới đóng quảng cáo với tư cách của một diễn viên chứ không phải tư cách một người mẫu.
- Có bao giờ hai bạn thấy chơi vơi trong công việc không?
- Hải: Hải rất tự tin khi làm cả hai việc và thấy rằng nó hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Nếu như là bạn khi đi phỏng vấn chưa chắc bạn đã biết các quy trình làm phim nhưng mình là người trong cuộc, mình biết rất rõ, do đó khi phỏng vấn anh Đãng hoặc anh Nguyễn Tranh (quay phim) chẳng hạn mình sẽ hỏi được rất cụ thể.
- Khi quyết định vào Sài Gòn bạn mang tâm thế như thế nào?
- Hải: Hải vào Sài Gòn với suy nghĩ đó là mảnh đất tốt cho phóng viên.
- Lúc đó bạn đã có ý định làm diễn viên chưa?
- Hải: Chưa bao giờ Hải mơ làm diễn viên. Hải vào Sài Gòn là hoàn toàn để làm báo. Đam mê báo chí lúc ấy rất mãnh liệt. Tại sao mà Hải đi viết rất nhiều về phim và còn làm cộng tác viên ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam VFC mà chưa từng bao giờ xin các anh đạo diễn cho mình một vai diễn quần chúng?
Hải nghĩ nếu xin thì các anh ấy sẽ cho ngay. Cái nghề nó chọn mình chứ không phải mục tiêu là tôi vào Sài Gòn để tìm cơ hội đóng phim. Cơ hội đến khi Hải gặp anh Lê Hoàng rồi đi casting phim của anh Hoàng.
- Khi đến với Vũ Ngọc Đãng thì Lương Mạnh Hải được ưu ái rất nhiều. Ngay như trong Tuyết nhiệt đới tên các nam diễn viên chính cũng được ghép lại thành tên Lương Mạnh Hải. Vì đâu có sự ưu ái này?
- Hải: Trong “Tuyết nhiệt đới, chuyện ghép tên diễn viên lại thành tên Hải thì cũng chẳng nói lên điều gì. Những cái tên đó không ảnh hưởng đến tính cách và số phận của nhân vật cũng như cũng chẳng làm Hải thêm phần tiếng tăm. Hải chỉ biết rằng khi mình làm phim với anh Đãng thì bắt buộc bản thân mình phải có một sự nỗ lực nào đó thì Hải mới được tiếp tục mời vào phim thứ hai.
Mối quan hệ của diễn viên và đạo diễn là mối quan hệ lâu dài. Khi mà Hải có một ê kíp tốt thì tại sao lại không hợp tác với nhau lâu dài. Hải đóng 100 phim của Vũ Ngọc Đãng thì cũng đâu có sao. Tại sao mình phải chọn đạo diễn, bởi khi mình có được sự tin tưởng, ưu ái của một đạo diễn giỏi thì mình mới có kịch bản hay. Kịch bản đo ni đóng giày cho mình tại sao lại không tốt hơn kịch bản từ trên trời rơi xuống.
- Xem “Bỗng dưng muốn khóc” người ta thấy có sự “âm tính” trong đó, ví dụ vai của Hải, thậm chí cả anh chàng Hiều trong phim cũng hơi yếu mềm mà vai của Hà thì lại rất cứng cáp. Tại sao lại có sự hoán đổi tính cách đó?
- Hải: Hải nghĩ rằng đây là do chủ ý của anh Đãng muốn xây dựng sự đối lập trong tính cách của hai nhân vật chính. Hai nhân vật có tính cách đối nghịch nhau như vậy sẽ khiến khán giả thích thú. Chuyện trong người đàn ông có sự yếu đuối thì đó là điều rất bình thường. Nhưng nếu mọi người đi theo suốt chiều dài của bộ phim thì sẽ thấy rằng Nam không phải là người yếu đuối.
- Hải thích điều gì nhất trong “Bỗng dưng muốn khóc” và “Đẹp từng centimet”?
- Hải: Với “Bỗng dưng muốn khóc” là: nếu như bạn mất niềm tin bạn sẽ trở nên yếu đuối và bạn phải luôn biết trân trọng những giá trị tinh thần nhỏ nhất trong cuộc sống. Còn trong “Đẹp từng centimet” thì lại có một thông điệp khác: không ai là không có khả năng và mỗi người sẽ tỏa sáng ở một góc cạnh khác nhau.
Nếu bạn không làm diễn viên hay ca sĩ thì bạn có thể làm nhà thiết kế thời trang, làm bác sĩ… Chúng ta ai cũng có tài nhưng chúng ta cần nhận ra cái tài của mình nằm ở đâu để phát triển nó lên. Theo TuanVietNam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét