Lá đơn từ con của người mẹ hơn 70 tuổi
Cả cuộc đời bà Phạm Xuân Ước sống trong nước mắt vì mất chồng, mất con. Đến khi về già, lại phải nhờ người viết đơn xin từ đứa con mà gần 30 năm bà mong mỏi ngóng trông nó trở về…
30 năm ngóng chồng, chờ con trong vô vọng
Thôn Quảng Đạt (xã Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương) nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Ngôi nhà bà Ước đang sống hoang hoác bên bờ sông và chìm nghỉm trong tre pheo rậm rạp. Khi chúng tôi đến, bà Ước đang lúi húi gẩy rơm nấu nướng trong cái bếp được gá tạm bằng tấm liếp, cũng hoang hoác như ngôi nhà tạm chục năm chưa trát vữa.
Tôi hỏi về cái chuyện động trời ẫm ĩ cả huyện mấy ngày qua, ấy là cái lá đơn từ con của bà, bà thẫn thờ, rồi khóc rưng rức. Bà khóc một lúc mới thành tiếng, thành tiếng một lúc nước mắt mới rỉ ra. Chừng như người đàn bà này đã khóc quá nhiều rồi, giờ muốn khóc cũng khó lắm.
Bị thương tật nhưng bà Ước vẫn phải làm mọi việc trong nhà |
Bà Ước sinh năm 1934, trong một gia đình nghèo khổ, đói rách nhất thôn Quảng Đạt. Chị em bà lớn lên trong ngôi nhà ba gian, nhưng chỉ có một vách, còn lại trống trơn, mặc gió lùa, mưa hắt. Cả tuổi thơ của mình, bà Ước đi chăn trâu, cắt cỏ, hầu hạ cơm nước, giặt giũ cho phú nông trong làng để có miếng ăn. Mấy chị em đều nghèo quay nghèo quắt đến tận bây giờ. Họ nghèo đến nỗi đều nằm trong diện được Nhà nước xóa nhà tranh vách đất.
Trong cái đại gia đình nghèo khó truyền kiếp đó, bà Ước nghèo khổ, bi thương hơn cả. Đi ở đến lúc trưởng thành thì được bố mẹ gả cho một anh thuyền chài đánh cá ngược từ sông Văn Úc lên tận sông Rang chảy qua Quảng Đạt. Cưới xong, Ước xuống thuyền, xuôi về phía biển, bặt tăm luôn mấy năm.
Theo chồng lang bạt kỳ hồ mãi, đến lúc có con, chồng bà, ông Dương Văn Trúc mới kéo thuyền về sông Lạch Tray cắm chốt ở đoạn chảy qua thôn Tỉnh Thủy (An Hòa, An Dương, Hải Phòng). Bà tần tảo nuôi bốn ông con trai gồm Thành, Lập, Đương, Trường. Mấy đứa con lớn lên, đứa nào cũng khỏe như vâm như voi, ngày đêm hùng hục lặn ngụp dưới sông. Thế rồi, cái ngày định mệnh cách nay 30 năm, chỉ trong chớp mắt, bà mất cả nhà.
Tại đây, người con tâm thần đã chém và đẩy bà xuống sông |
Đêm ấy, bà nghe tiếng quát tháo ầm ĩ trên bờ, đèn pin lia ngang lia dọc. Mấy dân quân xông thẳng vào thuyền của bà, rồi lôi ra một tảng thịt trâu giấu ở cuối thuyền. Bà rưng rưng: “Họ dong một mạch cả chồng và ba đứa con của tôi đi. Ông xã đội quát: “Chồng con bà rũ tù rồi, không còn ngày ra nữa đâu. Dám giết trộm trâu của Nhà nước à? Lúc đó, thằng con út của tôi còn nhỏ quá, nên họ không bắt đi. Tôi không biết họ xét xử ra sao. Suốt mấy chục năm trong trại giam gì đó trên Vĩnh Phú (trại giam Tân Lập), tôi không một lần lên thăm được bố con ông ấy”.
Số phận chồng và những người con của bà Ước hết sức bi đát. Chồng bà, ra tù được chừng hơn tháng, thì lăn đùng ra chết vì trọng bệnh. Người con cả cũng chết trong tù vì bệnh tật. Ông con thứ hai bị tử hình vì tội giết bạn tù. Dương Văn Đương liên tục trốn trại và cũng liên tục bị bắt lại nên phải ngồi tù tổng cộng 26 năm.
Bà Ước chỉ còn mỗi người con út tên Trường. Nhưng khi nhắc đến người con duy nhất còn sống này, bà Ước lại khóc nấc lên. Bà kể: “Thằng Trường lấy vợ, nó đẻ một lèo sáu đứa, rồi tống hết về quê ngoại bắt tôi nuôi. Vợ chồng nó cứ chèo thuyền đi biền biệt, có khi mấy năm chẳng thèm về, cứ mặc xác con cái sống thế nào thì sống”.
Bà Ước trên con đường vào nhà |
Đứa cháu lớn chết vì sốt rét năm 14 tuổi khiến bà đau khổ đến giờ, còn lại đều nheo nhóc lớn lên bằng bàn tay chăm bẵm của bà. Chỉ có ba sào ruộng thụt trong đồng, cấy không đủ ăn, bà bò ra bãi sông đắp bờ, dãy cỏ cũng được thêm bốn sào nữa.
Trồng cấy mảnh ruộng ngoài bãi trong mùa nước cạn cũng được thêm vài bao thóc. Chỉ có người dân ở xóm nghèo Quảng Đạt mới biết bà Ước già nuôi đám cháu lớn lên khó nhọc, lam lũ thế nào.
Hai cháu gái lớn là Dương Thị Hương giờ đã 16 tuổi và Dương Thị Hạnh đã bước sang tuổi 13. Hai đứa đều chỉ học hết tiểu học. Trong hoàn cảnh mấy đứa em còn nhỏ, bà nội đã già, lại thương tật thì hai cô bé này là trụ cột gia đình.
Sáng sớm tinh mơ, hai chị em thay nhau đạp xe ra thị trấn Phú Thái làm thuê cho một xưởng dệt tư nhân, tối lại đèo nhau về. Chăm chỉ làm việc mỗi tháng 30 ngày, cũng chỉ được ngót một triệu đưa cho bà mua thức ăn và nộp học phí cho các em.
Bà Ước và cháu nội |
Lá đơn viết bằng nước mắt
Sau 26 năm ngồi tù, năm 2006, người con thứ ba của bà, tức Dương Văn Đương được ra tù. Đương tìm về bến sông thôn Tỉnh Thủy, nhưng chẳng còn ai, đành lang thang tìm về quê ngoại.
Sống với mẹ một thời gian, Đương bắt đầu có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Nhiều khi, đang ngồi chơi, tự dưng Đương lăn đùng ra ngất, sùi bọt mép, trông rất sợ. “Ngất tỉnh, tỉnh ngất” độ vài tháng thì anh ta có thú vui bỏ nhà đi lang thang. Cứ đi đâu đó biệt tăm vài hôm, lại tìm về với bộ dạng bẩn thỉu, lếch thếch. Và rồi, bi kịch đã tiếp tục xảy ra, khi cuộc đời bể khổ của bà Ước chẳng còn dài nữa. Bà Ước vén hai tay áo lên, tôi thấy những vết sẹo chằng chịt ở cổ tay trái và bàn tay phải. Đoạn xương gãy không liền nên mọc trùm ra, u thành cục ở cổ tay. Cả mười ngón tay tần tảo sớm hôm nuôi con, nuôi cháu bao nhiêu năm nay của bà, giờ chỉ còn hai ngón cử động được.
Hôm ấy, khi bà đi chợ về, thấy thằng con có biểu hiện tâm thần của bà cứ cầm dao chém đống dây điện. Thấy lạ, bà hỏi, Đương cục cằn trả lời: “Tại nó không có điện, quạt không chạy, nóng quá, nên tôi chém”. Bà Ước bực mình mắng cậu con tâm thần mấy câu. Mẹ mắng, Đương im re, lủi thủi lên võng nằm.
“Thằng Đương nó chém tôi thế này đây” |
Bà Ước kể rành rọt: “Thấy nó trở lại bình thường, tôi mang quần áo ra bờ sông giặt giũ. Thấy bóng người đổ xuống sông, tôi ngẩng mặt lên, hóa ra thằng Đương đang cầm con dao trong tay, mặt nó hằm hằm sát khí. Tôi chưa kịp định thần thì nó chém thằng vào cổ tay trái tôi. Tôi đang ôm vết chém, thì nó lại nhằm mặt mẹ nó chém tiếp, nên tôi phải giơ tay phải lên đỡ. Giời ơi, nó chém mẹ nó năm nhát liền. Chém chán rồi, nó đạp tôi xuống sông cho tôi chết nó mới vừa lòng…”. Kể đến đây, bà Ước lại kéo vạt áo lấm lem bùn đất lên lau nước mắt.
Chị Minh hàng xóm kể: “Chiều hôm ấy, tôi đang xem tivi, thấy tiếng kêu cứu liền chạy ra phía sông. Tôi thấy bà Ước lóp ngóp dưới sông. Bà cứ chìm xuống lại nổi lên. Lúc nổi lên, bà không kêu cứu bà, mà kêu tôi cứu mấy đứa cháu. Bà sợ anh Đương nổi điên chém mấy đứa cháu nội. Tôi chạy vào nhà, thấy bọn trẻ vẫn an toàn, lại chạy ra sông”.
Bà Ước được làng xóm khiêng ra trạm xá sơ cứu, rồi khiêng tiếp ra bệnh viện huyện điều trị. Biết hoàn cảnh bà, nên bệnh viện miễn cho viện phí.
Bà Ước lần mò trong chiếc tủ cũ nát, đưa cho tôi một mẩu giấy phô tô nhàu nhĩ. Lá đơn từ con này bà nhờ chị Thủy hàng xóm viết hộ: “Đơn xin từ con. Kính gửi Công an xã Ngũ Phúc. Tôi là Phạm Thị Ước. Tôi có người con là Phạm Văn Đương. Sau 26 năm trong tù, khi trở về, mẹ con tôi cùng sinh sống với nhau. Nhà cửa không có, mẹ con tôi phải đi ở nhờ. Tuy nhiên, trong thời gian mẹ con sống với nhau, nhiều lần đã xảy ra mâu thuẫn. Có lần con tôi dùng dao chém vào hai tay tôi. Đến nay, vết thương vẫn chưa khỏi. Không làm ăn gì được, hiện tại tôi không thể nuôi được con tôi nữa. Bản thân tôi vẫn đi ở nhờ nhà người khác. Đề nghị Nhà nước nuôi con hộ tôi…”.
Người con mà bà Ước đã phải viết đơn nhờ Nhà nước nuôi hộ |
Sau vụ chém mẹ, Đương bỏ đi biền biệt. Ngày vào chợ xin ăn, đêm ra gầm cầu ngủ, rồi bị rơi xuống mương. Cũng may có người phát hiện đưa vào bệnh viện cứu sống. Giờ Đương an vị trong Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Hôm trước, bệnh viện chở Đương về trả cho bà, nhưng bà nuốt nước mắt không nhận con mình nữa.
Chúng tôi hỏi: “Giờ Đương bệnh tật, ốm yếu như thế, sao bà không nhận về nuôi?”. Người đàn bà tuổi ngoài thất thập lại khóc nấc lên: “Bỏ rơi con lúc nó bệnh tật, tôi đau đớn lắm chứ. Hổ dữ còn chẳng ăn thịt con. Nhưng cho nó về, nhỡ nó nổi điên chém các cháu thì tôi biết làm thế nào? Tôi già rồi, chết thì thôi, nhưng còn các cháu tôi…”.
Trước khi rời ngôi nhà buồn bã ven sông ấy, tôi báo tin cho bà Ước: “Ông Phạm Công Lạng, GĐ Bệnh viện Tâm thần Hải Dương đã hứa sẽ làm hồ sơ chuyển anh Đương vào Trung tâm nuôi dưỡng Tâm thần kinh Chí Linh để Nhà nước nuôi dưỡng. Bà không phải lo nữa”.
Lúc ấy, đôi mắt người mẹ già này mới có chút long lanh.
Theo
NHỮNG TẤM HÌNH VỀ NGƯỜI MẸ:
15 ENTRY GẦN ĐÂY NHẤT:
- Vũ nữ thoát y
- Cung cấp thông tin cá nhân để kiểm soát blog
- Đêm chung kết và vương miện Miss Teen 2008
- Chương Tử Di lưng trần quyến rũ
- Cuộc chiến “Hot girl”
- 1 Miss Teen 2008 lộ hàng, hot girl nào sẽ lên ngôi?
- Thưởng thức màn trình diễn sexy của Bi (Rain)
- Ảnh nóng bỏng của Tóc Tiên
- Phi Thanh Vân
- 5 nữ diễn viên mặc đẹp nhất châu Á
- Quỳnh Thy - Tiến Đoàn gợi cảm với bikini
- Người mẫu khỏa thân
- Người mẫu ảnh nude và diễn viên cấp 3
- Cắt u buồng trứng mất luôn… một quả thận
- Hoàng Thùy Linh quyến rũ với Tóc _ Album mới
CÁC ENTRY ĐƯỢC TRUY CẬP NHIỀU TRÊN ONLYU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét